Sáng tác và thu âm Evermore_(album)

Tương tự như album trước đó, Evermore cũng là kết quả của quá trình cộng tác từ xa và giao tiếp trực tuyến,[5] và album cũng được thu âm hoàn toàn bí mật.[4] Aaron Dessner sản xuất hoặc đồng sản xuất tất cả các bài hát ngoại trừ "Gold Rush" – bài hát này do Taylor Swift và Jack Antonoff sản xuất.[9] Tất cả các bài hát, ngoại trừ "Cowboy like Me", đều được thu âm tại phòng thu Long Pond Studio, nơi phim điện ảnh Folklore: The Long Pond Studio Sessions được ghi hình.[4][9]

Sau khi phát hành Folklore, Swift đã sáng tác hai bài hát "Closure" và "Dorothea" cho Big Red Machine – nhóm nhạc của Dessner và Justin Vernon, trưởng nhóm nhạc indie folk Bon Iver. Các bài hát này sau đó lại được đưa vào album Evermore. Để ăn mừng ngày Folklore ra mắt, Dessner tình cờ sáng tác ra một bản nhạc đệm lấy tiêu đề là "Westerly" – đặt theo vị trí ngôi nhà của Swift ở Rhode Island. Một giờ sau, Swift hoàn thành phần lời cho "Willow" trên bản nhạc đệm và gửi lại cho anh.[6] Cô viết ca khúc chủ đề "Evermore" với Alwyn (dưới nghệ danh William Bowery) và gửi bản nháp cho Vernon, và Vernon đã viết thêm đoạn chuyển tiếp cuối bài. Dessner nhận ra bộ đôi đang tạo ra một bản sao của Folklore chỉ sau khi cả hai đã sáng tác hơn bảy bài hát. Anh sáng tác "Tolerate It" trên đàn piano ở nhịp 10
8 và gửi cho Swift; bản nhạc đã gợi lên một khung cảnh trong tâm trí cô khi nghe và cô đã nhanh chóng gửi lại kèm phần lời bài hát hoàn chỉnh. Dessner cho biết anh đã "khóc khi nghe [phần lời] ngay lần đầu".[4] Swift tới phòng thu Long Pond Studio để ghi hình cho Folklore: The Long Pond Studio Sessions. Sau khi quá trình quay phim hoàn tất, Swift ở lại Long Pond qua đêm để thu âm cùng với Dessner và Antonoff. Sáng hôm sau, cô đến gặp Dessner trong phòng bếp với "'Tis the Damn Season", một bài hát mà cô đã viết ngay trong đêm.[6] Dessner nhận định đây là một trong những tác phẩm yêu thích nhất của anh và lẽ ra nó có thể sẽ vẫn chỉ là một bản nhạc đệm, nhưng "khả năng kể chuyện và khả năng âm nhạc đáng kinh ngạc của Swift đã biến nó trở thành một thứ gì đó tuyệt vời hơn nhiều".[4]

"No Body, No Crime" được lấy cảm hứng từ "nỗi ám ảnh [của Swift] với podcast/phim tài liệu về tội phạm".[10] Cô đã sáng tác bản nhạc trên một chiếc guitar có ngựa đàn cao su và gửi cho Dessner một bản ghi âm qua email, sau đó anh bắt đầu thực hiện phần sản xuất. Swift có những ý tưởng cụ thể về cách mà cô muốn truyền tải bài hát, bao gồm cả sự góp giọng của ban nhạc pop rock Mỹ Haim. Nhóm nhạc thu âm phần giọng của các thành viên tại nhà của Ariel Rechtshaid ở Los Angeles và chuyển nó cho Swift. Phần kèn harmonica và đoạn riff guitar trong bài hát do Josh Kaufman thực hiện; anh cũng là người chơi phần kèn harmonica trong bài hát "Betty" của Folklore; còn JT Bates chơi trống trong cả bài hát này lẫn trong "Dorothea".[4] Aaron Dessner và người anh sinh đôi Bryce Dessner đã gửi cho Swift một số bản nhạc đệm mà họ đã thực hiện cho ban nhạc indie rock The National, một trong số đó trở thành bản nhạc "Coney Island". Swift và Alwyn đã viết lời bài hát và thu âm "Coney Island" với giọng hát của Swift; tuy nhiên sau khi nghe bản thu nháp, anh em nhà Dessner cảm thấy bài hát rất thân thuộc với The National, và tưởng tượng tới việc giọng ca chính Matt Berninger sẽ góp giọng và tay trống Bryan Devendorf sẽ chơi trống trong bài hát này. Aaron Dessner nói chuyện với Berninger và Berninger tỏ ra rất "hào hứng" với ý tưởng ấy. Ban nhạc tập hợp lại, Bryan Devendorf chơi trống, trong khi anh trai anh là Scott Devendorf chơi bass và piano, còn Bryce Dessner thì giúp đỡ ở phần sản xuất.[4]

"Marjorie", ca khúc thứ mười ba của album, nhằm tưởng nhớ Marjorie Finlay – ca sĩ opera người Mỹ và cũng là bà ngoại của Swift (ảnh năm 1949). Bà là người đã truyền cảm hứng cho niềm đam mê âm nhạc của Swift.

"Marjorie" là vốn là bản nhạc đệm tiền thân của "Peace" – ca khúc thứ mười lăm trong Folklore. Âm drone kéo dài của "Peace" hiện diện trong đoạn chuyển tiếp cuối bài của "Marjorie". Phần nhịp điệu bè của "Marjorie" được sáng tác bằng Allovers Hi-hat Generator, một phần mềm do nhà sản xuất Ryan Olson phát triển vốn đã được sử dụng trong nhiều bài hát của nhóm Big Red Machine. Bản nhạc đệm này lấy các âm thanh bất kỳ và chia chúng thành các mẫu rồi tái tạo chúng thành các mẩu âm nhạc ngẫu nhiên. Dessner xem qua các mẩu nhạc, chọn những phần yêu thích của anh, lặp lại chúng, phát triển chúng thành một bản nhạc đệm hoàn chỉnh rồi gửi cho Swift. Dựa vào những chất liệu này, Swift đã sáng tác nên "Marjorie", một bài hát về bà ngoại của cô – ca sĩ opera Marjorie Finlay. Cô cũng gửi một thư mục chứa các bản thu opera của Finlay cho Dessner, và anh đã lấy mẫu một số bản thu để đưa vào trong bài hát. "Right Where You Left Me" và "Happiness" được viết lời chỉ vài ngày trước khi Evermore hoàn thành. Dessner đã bắt tay vào sáng tác "Happiness" từ năm 2019 và nghĩ rằng đây sẽ là một bài hát của Big Red Machine. Tuy nhiên, Swift lại rất thích phần nhạc đệm này và cô đã hoàn thành phần lời cho bài hát; trường hợp này cũng xảy ra tương tự với "Right Where You Left Me".[4][11] Những tuần thu âm cuối cùng của Evermore trùng với kế hoạch thu âm Fearless (Taylor's Version) – album tái thu âm đầu tiên của Swift. Nữ ca sĩ đã thu âm "Happiness" và "You Belong with Me (Taylor's Version)" trong cùng một ngày.[7]

Vernon tham gia vào quá trình thực hiện Evermore nhiều hơn Folklore. Anh chơi trống trong "Cowboy like Me" và "Closure", chơi guitar và băng cầm trong "Ivy", đồng thời góp giọng bè trong "Marjorie". Trong "Closure", Vernon xử lý phần giọng hát của Swift trên bộ sửa đổi giọng hát Messina,[4] làm biến dạng âm sắc nhẹ nhàng của cô thành âm thanh giống của người máy.[12] "Cowboy like Me" được thu âm tại phòng thu Scarlet Pimpernel Studios tại Vương quốc Anh; đây là phòng thu vốn do Marcus Mumford, ca sĩ chính của ban nhạc folk rock Mumford & Sons làm chủ sở hữu. Mumford cũng góp giọng hát đệm trong bài hát này.[13] Trong "Ivy", Dessner đã bổ sung thêm tiếng chuông xe trượt tuyết để gợi lên chất mùa đông nhằm phù hợp hơn với bối cảnh mùa đông của bài hát. Dessner cố tình thêm nhiều yếu tố "hoài niệm về mùa đông" vào phần âm nhạc của Evermore nhằm nghiêng về ý tưởng mà Swift đã từng trao đổi với anh. Dessner cho biết việc hòa âm toàn bộ 17 bài hát của album là một nhiệm vụ nặng nề và kỹ thuật viên âm thanh Jon Low nghĩ rằng tác phẩm sẽ không thể về đích đúng hạn.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Evermore_(album) https://web.archive.org/web/20210201204347/https:/... https://www.diariodecultura.com.ar/rankings/los-di... https://australian-charts.com/showitem.asp?interpr... https://austriancharts.at/showitem.asp?interpret=T... https://www.ultratop.be/nl/showitem.asp?interpret=... https://www.ultratop.be/fr/showitem.asp?interpret=... http://www.ifpicr.cz/hitparada/index.php?hitp=P https://danishcharts.dk/showitem.asp?interpret=Tay... https://dutchcharts.nl/showitem.asp?interpret=Tayl... https://www.ifpi.fi/tilastot/virallinen-lista/arti...